Hỏi:
Tôi có đọc được thông tin người mắc bệnh béo phì dễ mắc ung thư. Thực hư chuyện này có đúng không thưa bác sĩ?
(Nguyên Hà, Thanh Hóa)
Đáp:
Chào Hà!
Phòng khám Pasteur rất vui khi nhận được câu hỏi của bạn. Các chuyên gia tại Pasteur trả lời bạn như sau:
Người béo phì có nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường và đặc biệt là một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt. Cơ chế gây ung thư do béo phì được xác định gồm:
✅ Quá trình viêm: Khi có nhiều tế bào mỡ trong cơ thể, các tế bào miễn dịch chuyên biệt tăng tiết Cytokine, từ đó thúc đẩy quá trình viêm mạn tính, làm cho các tế bào phân chia nhanh hơn, khi xảy ra trong một thời gian dài có thể gây ra tổn thương DNA dẫn đến ung thư. Ví dụ: viêm cục bộ mạn tính gây ra bởi bệnh trào ngược dạ dày thực quản có khả năng gây ung thư biểu mô tuyến thực quản. Béo phì là một yếu tố nguy cơ sỏi mật, đặc trưng bởi tình trạng viêm túi mật mãn tính, có nguy cơ gây ung thư túi mật.
✅ Hormone tăng trưởng: Quá nhiều chất béo trong cơ thể có thể làm tăng lượng Insulin và các yếu tố tăng trưởng khác giống như insulin-1 (IGF-1). (Tình trạng này được gọi là hyperinsulinemia hoặc kháng insulin, tiền đề của bệnh tiểu đường type 2.) Mức độ cao insulin và IGF-1 làm cho các tế bào phân chia thường xuyên hơn. Điều này có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư đại tràng, thận, tuyến tiền liệt và nội mạc tử cung.
✅ Hormon giới tính – sau thời kỳ mãn kinh: Mô mỡ trong cơ thể tạo ra lượng estrogen dư thừa. Estrogen do tế bào mỡ tạo ra có thể làm cho tế bào phân chia nhanh hơn ở vú và nội mạc tử cung (hai loại ung thư liên quan chặt chẽ nhất với béo phì), làm tăng nguy cơ gây đột biến các tế bào và ung thư.
Béo phì có thể gây bệnh ung thư, để kiểm soát cân nặng trước hết cần có lối sống lành mạnh, tích cực, cân năng năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao trong ngày. Ngoài ra cần thực hiện tốt các khuyến nghị như:
– Ăn nhiều rau, trái cây, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thực phẩm và đồ uống có nhiều đường.
– Bỏ thuốc lá, uống ít rượu bia.
– Tăng cường vận động: đi bộ, chơi thể thao, lao động chân tay…
– Tập thể dục ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút.