Điều trị viêm da cơ địa ở trẻ em cần chú ý điều gì để đảm bảo an toàn cho trẻ? Bệnh có biến chứng gì không nếu điều trị muộn hoặc không đúng cách?
1. Chẩn đoán viêm da cơ địa ở trẻ
Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh là đối tượng hay bị viêm da cơ địa, thường phát bệnh vào hai tháng đầu. Theo ước tính của bộ y tế, có tới 60% trẻ viêm da cơ địa phát bệnh trong năm đầu, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh từ 6-20 tuổi. Rất hiếm bệnh nhân phát bệnh khi trưởng thành.
Viêm da cơ địa còn được gọi với cái tên khác là bệnh chàm, eczema, bệnh sẩn ngứa besnier, bệnh liken đơn mạn tính,…Triệu chứng điển hình là các tổn thương gây khô da kèm theo ngứa ngáy, khó chịu xảy ra theo từng đợt và bắt đầu bởi các vết chàm ngứa trên da.
Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể như mặt, tay, chân, cổ, bụng, lưng, thậm chí là mông, vùng kín,… Tuy nhiên các vết chàm ngứa thường xuất hiện chủ yếu ở hai má, bàn tay, cánh tay, đùi, lưng, vùng cổ sau. Các vết chàm này thường chỉ xuất hiện rầm rộ vào một khoảng thời gian sau đó thuyên giảm và cứ thế tái phát ngày này qua năm khác.
Hầu hết các trường hợp viêm da cơ địa đều không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên đây là căn bệnh ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và quá trình điều trị viêm da cơ địa ở trẻ thường kéo dài thời gian.
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa ở trẻ
- Di truyền: Nếu bố hoặc mẹ bị viêm da cơ địa thì tỷ lệ con bị viêm da cơ địa là 40%. Nếu cả bố và mẹ đều bị viêm da cơ địa thì tỷ lệ con bị viêm da cơ địa là 80%.
- Môi trường sống: Do các dị nguyên trong không khí như rệp nhà, len dạ, siêu vi, vi khuẩn làm da nổi mẩn viêm.
- Do thức ăn: Dị nguyên thức ăn ở một số trẻ bị dị ứng có thể làm tăng nguy cơ bị nổi chàm – viêm da cơ địa như trứng, sữa, đậu tương,…
- Sức đề kháng của da yếu: Lớp ceramic trên bề mặt da giảm làm cho da dễ bị mất nước gây khô da. Mùa hay bị bệnh thường vào mùa thu đông, nhẹ vào mùa hè. Đây cũng là yếu tố khiến trẻ thường bị viêm da cơ địa vào mùa đông nhiều hơn mùa hè.
- Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học: Để trẻ quá nóng, mặc quần áo bó sát gây bí, lười tắm gội, tắm quá nhiều, ít vệ sinh da, thường xuyên tiếp xúc với bụi bặm, tác nhân gây ngứa,…
Những nguyên nhân này đều là nguyên nhân chẩn đoán khi trẻ có hiện tượng viêm da. Để biết chính xác nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh lý, cần có sự thăm khám chuyên sâu từ bác sĩ da liễu.
3. Triệu chứng và biểu hiện của viêm da cơ địa ở trẻ
Triệu chứng chung của bệnh là khô da, phát ban đỏ, ngứa tạo thành vòng xoắn bệnh lý: ngứa -> gãi -> phát ban đỏ -> ngứa -> gãi… Triệu chứng bệnh biểu hiện theo 3 cấp độ:
Mức độ nặng: Vùng da bị viêm trên diện rộng, ngứa không ngừng, mẩn đỏ, chảy máu, rỉ nước, nứt nẻ và thay đổi màu sắc da. Da dày thâm, ranh giới rõ, liken hoá, nhiều vết nứt đau; đây là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa gãi nhiều. Thương tổn hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.
Mức độ trung bình: Có các vùng da khô, ngứa thường xuyên, mẩn đỏ, có hoặc không có các mụn nước tiết dịch. Các vết xước do gãi tạo vết chợt, bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vảy tiết vàng. Bệnh thường khư trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình.
Mức độ nhẹ: Có các vùng da khô, ngứa nhưng không phù nề, tiết dịch, ít ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, giấc ngủ và tâm lý xã hội.
4. Điều trị viêm da cơ địa
Điều trị viêm viêm cơ địa ở trẻ nhỏ không thể nóng vội và phải có phác đồ khoa học. Nguyên tắc điều trị cơ bản của viêm da cơ địa bao gồm dùng thuốc dưỡng da kết hợp chống nhiễm trùng và viêm da. Điều trị viêm da cho trẻ sẽ căn cứ theo triệu chứng biểu hiện thực tế ở các mức độ nặng, nhẹ để lựa chọn phương pháp phù hợp.
Điều trị viêm da cơ địa cho trẻ rất phức tạp và mất thời gian. Để ngăn chặn thì các bậc phụ huynh nên biết cách chăm sóc, giữ vệ sinh cho bé. Đồng thời dọn dẹp môi trường sống thường xuyên để đảm bảo môi trường luôn sạch và thoáng mát, hạn chế các tác nhân gây viêm dị ứng.